Vấn đề già hoá dân số: Thay đổi văn hóa làm việc

Già hóa dân số là một trong những xu hướng nổi bật, đáng quan tâm của thế kỷ XXI, khi ngày càng có nhiều nước báo động về tình trạng gia tăng tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số, gây ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đất nước.

Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và được kỳ vọng sẽ vươn lên vị trí dẫn đầu.

Trong số những quốc gia này, Nhật Bản, từng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và được kỳ vọng sẽ vươn lên vị trí dẫn đầu, đang dần mất đi động lực tăng trưởng. Một trong những nguyên nhân chính là tình trạng già hóa dân số, dẫn tới giảm năng suất của nền kinh tế. Từ thực trạng này, ứng phó với vấn đề già hóa dân số đã trở thành một trong những ưu tiên quan trọng đối với Nhật Bản.

Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản giới thiệu những sáng kiến đang được thúc đẩy với sự vào cuộc từ chính quyền trung ương, chính quyền địa phương cho đến doanh nghiệp và mỗi người dân tại Nhật Bản để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học này, trong chùm bài "Thích ứng với xã hội già hóa".
Bài 1: Thay đổi văn hóa làm việc
Năm 2023, tỷ lệ sinh nói chung của Nhật Bản (số trẻ em mà một phụ nữ sinh ra trong suốt cuộc đời) là 1,2 - mức thấp nhất từ trước đến nay, với tổng cộng 727.277 ca sinh, cũng mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu có số liệu thống kê vào năm 1899. Với tỷ lệ sinh giảm, dân số Nhật Bản già đi nhanh hơn. Tính đến tháng 9/2024, số người từ 65 tuổi trở lên đã tăng 20.000 so với năm trước lên 36,25 triệu người, mức cao nhất từ trước đến nay, chiếm 29,3% dân số. Người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên (20,76 triệu người) chiếm 16,8% dân số, cao nhất từ trước đến nay.
Trước tình hình này, tháng 12/2023, Chính phủ Nhật Bản đã biên soạn Chiến lược tương lai của trẻ em, theo đó tăng trợ cấp nuôi con và trợ cấp sinh con nhằm ngăn chặn đà suy giảm tỷ lệ sinh.
Nhiều doanh nghiệp cũng nhập cuộc với việc cho phép người lao động làm việc trong khi nuôi con hoặc chăm sóc người thân lớn tuổi. Quan điểm “đàn ông đi làm và phụ nữ ở nhà” trong xã hội Nhật Bản cũng đã thay đổi. Trong một xã hội mà cả cha và mẹ đều đi làm đã trở thành chuẩn mực, để ngăn chặn tình trạng tỷ lệ sinh giảm, điều quan trọng là phải thay đổi quan điểm rằng “đàn ông đi làm và phụ nữ ở nhà” và khuyến khích nam giới tham gia nuôi dạy con cái. Chính phủ Nhật Bản đã đặt ra mục tiêu về tỷ lệ nam giới nghỉ phép chăm con tại các công ty tư nhân, hiện là khoảng 30%, tới năm 2025 là 50% và đạt 85% vào năm 2030. Thậm chí, mục tiêu này đã trở thành một tiêu chí sử dụng lao động của doanh nghiệp như một đánh giá về mức độ đóng góp xã hội của doanh nghiệp.
Công ty phát triển nhà Sekisui House Ảnh: interrnet

Công ty phát triển nhà Sekisui House đã tích cực tạo ra một môi trường giúp nam giới dễ dàng nghỉ phép chăm con hơn. Bà Yamada Miwa, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc Thúc đẩy sự đa dạng của Sekisui House, cho biết để hiện thực hóa tầm nhìn toàn cầu của Sekisui House là biến ngôi nhà thành nơi hạnh phúc nhất trên thế giới, điều quan trọng trước tiên là làm cho mọi nhân viên đều hạnh phúc. Tháng 9/2018, Sekisui House đã khởi xướng Chương trình Nghỉ phép chăm con, với mục tiêu hướng đến một xã hội mà nam giới có thể được nghỉ phép chăm con là điều hiển nhiên, khuyến khích nhân viên nam nghỉ làm ít nhất một tháng để tập trung chăm sóc con. Để đảm bảo rằng các vấn đề kinh tế không ngăn cản việc nghỉ phép chăm sóc con, tháng đầu tiên là nghỉ phép có lương.

Để dễ dàng sắp xếp công việc hơn đồng thời thúc đẩy chế độ nghỉ phép này, mặc dù trước đây chỉ có thể nghỉ trong 4 đợt hoặc ít hơn, từ tháng 4/2021, Sekisui House đã điều chỉnh chương trình, cho phép nhân viên linh hoạt hơn trong việc sử dụng chế độ nghỉ phép chăm con. Tính đến ngày 31/1/2024, công ty đã ghi nhận 1.933 nhân viên nam sử dụng chế độ nghỉ phép chăm con, đạt tỷ lệ 100%. Những nhân viên đã nghỉ phép chăm con thường đưa ra những bình luận như: "Điều này nhắc nhở tôi về tầm quan trọng của gia đình, và tăng ý thức trách nhiệm và động lực làm việc của tôi". Chính sách này cũng dẫn đến việc phát triển một văn hóa doanh nghiệp với sự hợp tác lớn hơn và nhấn mạnh vào tinh thần làm việc nhóm.
Kể từ khi Chương trình Nghỉ phép chăm sóc con có hiệu lực, nhiều thay đổi đã diễn ra tại nơi làm việc của Sekisui House. Nhiều nhân viên khẳng định các mối quan hệ đồng nghiệp của họ, mọi người trở nên thân ái và hỗ trợ nhau hơn. Ngoài ra, nhiều người cảm thấy hạnh phúc khi làm việc nhà và nuôi dạy con cái, trong khi nghiên cứu khẳng định những nhân viên hạnh phúc hơn sẽ sáng tạo và năng suất hơn. Điều này cho thấy việc thúc đẩy Chương trình Nghỉ phép chăm sóc con không chỉ mang lại lợi ích cho nhân viên và gia đình họ mà còn cho nơi làm việc, cũng như cho công ty và xã hội. Theo bà Yamada Miwa, một công ty "ưu tiên trẻ em" có thể dẫn đầu cho một xã hội hỗ trợ việc nuôi dạy trẻ em.
 
Trong khi đó, Công ty TNHH TOMY, nổi tiếng với các loại đồ chơi như búp bê hóa trang Licca-chan và xe ô tô thu nhỏ Tomica, đã kỷ niệm 100 năm thành lập vào năm nay và đã triển khai các hệ thống mới để hỗ trợ vừa làm việc vừa chăm sóc gia đình, nuôi dạy con. Theo lãnh đạo của TOMY, việc tạo ra môi trường làm việc hỗ trợ cân bằng tốt giữa công việc với gia đình là cần thiết trong một xã hội ngày càng già hóa. TOMY đã thiết lập một hệ thống toàn diện để hỗ trợ nhân viên đạt được điều này.
Bà Nakamura Maki, Tổng Giám đốc của Nhóm Xúc tiến DEI thuộc Bộ phận Chiến lược nhân sự, cho biết trước tiên, TOMY rút ngắn thời gian làm việc với quan niệm rằng cần phải tạo ra một môi trường mà nhân viên có thể lựa chọn cách phân chia thời gian giữa công việc với gia đình để họ có thể yên tâm theo đuổi sự nghiệp của mình trong khi vẫn nuôi dạy con cái, chăm sóc các thành viên trong gia đình hoặc đang điều trị hiếm muộn. Nhân viên có thể được giảm giờ làm việc tối đa 3,5 giờ/ngày để có thêm thời gian chăm con cho đến khi học xong bậc tiểu học (hết lớp 6). TOMY cũng áp dụng cơ chế nghỉ phép hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khác nhau của nhân viên, theo đó họ có thể nghỉ phép theo từng đợt một ngày, nửa ngày hoặc theo giờ tùy theo hoàn cảnh và lý do với tổng thời gian được nghỉ là 20 ngày/năm.
 
TOMY cũng thực hiện cơ chế nghỉ phép hưởng lương, cho phép nhân viên tích lũy ngày nghỉ phép có lương hằng năm đã hết hạn và sử dụng cho mục đích điều trị y tế dài hạn. Công ty đã thử nghiệm mô hình thưởng cho những nhân viên hỗ trợ đồng nghiệp phải nghỉ làm hoặc làm việc ít giờ hơn để nuôi con hoặc chăm sóc người thân lớn tuổi trong gia đình. Các biện pháp hỗ trợ ngày càng đa dạng có thể làm tăng gánh nặng cho những nhân viên đảm nhiệm các nhiệm vụ của những người sử dụng các chương trình hỗ trợ đó. Vì vậy TOMY giới thiệu một hệ thống cung cấp trợ cấp hỗ trợ cho những nhân viên đảm nhiệm các nhiệm vụ của những người nghỉ phép. Khoản trợ cấp này chiếm khoảng 30% lương của nhân viên nghỉ phép và được phân phối cho những nhân viên đảm nhiệm công việc của họ. Theo ông Kurihara Shota, Tổng Giám đốc cấp cao của Bộ phận Chiến lược nhân sự, khoản thưởng này nhằm loại bỏ mối lo ngại rằng việc nghỉ phép sẽ gây ra vấn đề cho đồng nghiệp của họ và tạo điều kiện thuận lợi giúp họ dễ dàng nghỉ phép để chăm con.
Một trong những điểm nổi bật nhất của các quy định mới mà TOMY áp dụng để khuyến khích sinh con là chế độ quà tặng bằng tiền cho nhân viên khi sinh con với mức thưởng lên tới 2 triệu yen (khoảng 340 triệu đồng) khi mỗi đứa trẻ chào đời. Ngoài việc giảm gánh nặng kinh tế về chi phí sinh con và nuôi con, để được nhận khoản tiền thưởng này, nhân viên nam cũng được yêu cầu phải nghỉ phép chăm sóc con ít nhất 28 ngày. Điều này cho thấy hệ thống của công ty TOMY hướng đến mục tiêu thúc đẩy chế độ nghỉ phép chăm sóc con.
Các sáng kiến trên nhằm giúp người lao động tại Nhật Bản cân bằng giữa công việc với gia đình, cho phép nam giới nghỉ phép chăm sóc con nhỏ là những nỗ lực của các doanh nghiệp để đảm bảo được hiệu suất lao động trong bối cảnh tỷ lệ người cao tuổi đang ngày càng tăng trong sơ đồ nhân khẩu học của Nhật Bản. Mặc dù chỉ mới ở bước khởi động, nhưng có thể nói những nỗ lực này đã gặt hái được những hiệu ứng tích cực ban đầu./.

Nguyễn Tuyến - Phạm Tuân

VNEWS | 08-11-2024, 15:59

vnews

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

CHƯƠNG TRÌNH TRÊN VNEWS

Xem thêm